Thống kê

Tổng truy cập: 2554920
Trong tháng: 1110
Hôm nay: 582
Đang Online: 4

Liên kết - Quảng cáo

Thư viện AMBN
cổng thông tin ts
Đại học Duy Tân
Ngày đăng: 23/03/2013
Lượt xem: 44091

Nhà văn Kim Lân-Cây đại thụ của nền Văn học Việt Nam


Nhà văn Kim Lân, một cây bút truyện ngắn danh tiếng của văn học Việt Nam hiện đại đã qua đời ở tuổi 87. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1920 tại thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Kim Lân mất hồi 15h30 ngày 20 tháng 7 năm 2007 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội.

Tác phẩm đã xuất bản của ông không nhiều: Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962), Hiệp Sĩ gỗ, Ông Cả Ngũ (1998), Tuyển tập Kim Lân (2003)… Kim Lân là tác giả nhiều truyện ngắn đặc sắc như: Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí, Ông Cả Luốn gốc me… Kim Lân đã được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I/2001.

Ngoài việc viết truyện ngắn, Kim Lân còn tham gia đóng phim: Vợ chồng A Phủ (vai thống lý Pá Tra), Làng Vũ Đại ngày ấy (vai Lão Hạc), Chị Dậu (vai Lý Cựu)… Cùng với các nhà văn Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao… Kim Lân tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc từ trước năm 1945. Sau hoà bình ông làm công tác biên tập ở NXB Văn học, báo Văn Nghệ và giảng dạy tại trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ, trường viết văn Nguyễn Du…
Sự nghiệp văn học của nhà văn Kim Lân tuy không đồ sộ nhưng lại rất đặc sắc và khó trộn lẫn. Một số truyện ngắn của ông được xếp vào hàng “Kinh điển” trong văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Chỉ với ba truyện Vợ Nhặt/ Làng/ Con chó xấu xí… Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam”. Tuy học vấn theo kiểu trường lớp của ông không nhiều nhưng tài năng văn học thiên phú của ông đã được khẳng định. Trên nửa thế kỷ đã trôi qua, truyện ngắn Kim Lân vẫn được giảng dạy trong nhà trường và chọn làm đề thi văn của nhiều trường Đại học trong cả nước. Ông là mẫu nhà văn “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, viết kỹ lưỡng, viết từ gan ruột, không chấp nhận sự nhạt nhẽo, sự giả tạo trong văn học.

Là con vợ lẽ của một gia đình ở làng Phù Lưu, Kim Lân chỉ được học hết bậc tiểu học. Trước Cách mạng Tháng 8, bản thân Kim Lân đã nhiều năm phải sống lăn lóc trong cảnh đói nghèo. Thân phận của cu Tràng lấy Vợ Nhặt, thậm chí cả “Con chó xấu xí” đều mang hình bóng của tác giả. Kim Lân là nhà văn của những số phận thiệt thòi, những kiếp người cùng khổ, của làng quê Việt Nam giữa thế kỷ XX. Đặc biệt cảnh sắc và con người trong văn Kim Lân đều thấm đậm hồn cốt của vùng Đông Ngàn – Từ Sơn, một vùng không thể thiếu của văn hiến Kinh Bắc. Chính vì vậy, cùng viết về đề tài nông thôn, nhưng Kim Lân không giống với Nam Cao. Hai vùng quê khác nhau đã tạo nên hai cái đỉnh của Văn học Việt Nam hiện đại.

Từ sau năm 1960 hầu như Kim Lân gác bút. Đang ở độ tuổi bốn mươi; với nghệ thuật viết truyện bậc thầy, cái sự gác bút của ông quả là chuyện lạ. Có người nói Văn tài của ông đã hết. Có người lại bảo ông muốn lé tránh, không muốn can dự vào chuyện văn, chuyện người, vốn dĩ nhiều lúc vàng thau lẫn lộn. Người từng trải và hiểu rõ khí phách Kim Lân thì đồ rằng ông đã sớm nhận ra điểm dừng của văn nghiệp mình. M.Gorki đã từng nói: “Dấu hiệu của một tài năng còn ở chỗ anh ta đã biết dừng lại đúng lúc”. Thay vào công việc viết văn, Kim Lân tham gia biên tập sách báo và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ. Nhiều thế hệ các nhà văn chống Mỹ và sau 1975 đều quần tụ bên ông, vừa kính trọng vừa thân thiết như người nhà. Ông cũng dồn sức hướng nghiệp cho các con. Đến nay trong bảy người con thì năm người là hoạ sĩ. Nhiều người đã có danh tiếng như: Thành Chương, Nguyễn Thị Hiền, Việt Tuấn… Một số tờ báo lớn trong nước đã gọi nhà văn Kim Lân là người tốt phúc. Tuy số lượng tác phẩm không nhiều nhưng vị trí của ông thật vững chắc trên văn đàn, trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ và trụ lại được với thời gian. Con cái đều thành đạt và có vị thế trong xã hội. Trời còn cho ông hưởng thọ đến 87 tuổi. Với tư cách là một nhà văn, ông không chen lấn ai và cũng không phải đỏ mặt với bất kỳ người nào. Kim Lân giống như một loại đồ cổ quý hiếm cất giữ trong đó nhiều bụi vàng văn hoá thẳm sâu của nền văn minh sông Hồng.

Người viết bài này đã vinh dự được hầu rượu ông vài lần. Vẫn thắc thỏm vì chưa một lần được tới thăm ông tại xóm nhỏ Hạ Hồi. Được biết tết Đinh Hợi vừa qua, Kim Lân bỗng nổi hứng thèm chơi chữ thảo lồng vào khung kính. Ông đề nghị chữ viết cho ông theo kiểu Liên miên thảo, tít mù phóng túng, say đấy mà tỉnh đấy. Người chọn chữ cho ông chưa xong thì Kim Lân đã thong thả bay vào cõi vĩnh hằng. Bài viết này như một nén tâm nhang xin được kính viếng hương hồn ông…

(Theo ThoVN)

Gương sáng

Hình ảnh hoạt động











Bình chọn

Bạn hãy cho nhận xét về màu sắc Website mới
Màu sắc vừa phải
Màu sắc tươi sáng
Màu sắc nhạt nhòa
Màu sắc quá đẹp

Chat Box

Liên kết website