Thống kê

Tổng truy cập: 2361864
Trong tháng: 5205
Hôm nay: 97
Đang Online: 3

Liên kết - Quảng cáo

Thư viện AMBN
cổng thông tin ts
Đại học Duy Tân
Ngày đăng: 23/03/2013
Lượt xem: 5201

Tư liệu giảng dạy


Bạn có thể khai thác những kiến thức khác nhau trong một giờ dạy học môn Ngữ Văn, trong đó việc tìm hiểu những kiến thức liên quan đến tác phẩm là rất quan trọng.

Kiến thức đó có thể là một bài thơ về tác phẩm, một lời bình, một câu giải thích về một chữ nào đó trong tác phẩm, một giai thoại về nhà văn...Có thể nói biển kiến thức ấy là vô tận. Trong những năm học tập, giảng dạy chúng tôi cũng đã góp nhặt được những hạt muối trong bể đại dương mênh mông ấy để phục vụ công tác giảng dạy của mình. Nếu muốn bạn có thể tham khảo kho muối này với tinh thần của chúng tôi: hạt muối rất dễ kiếm, không ăn được nhiều một lần nhưng nếu một ngày không còn muối tồn tại trên trái đất này thì cuộc sống con người sẽ...

1.Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

Hạt muối 1:

Bài thơ: Đối thoại với Thị Nở

 

Nếu hôm nay được sống lại một lần.

Chị có ra bờ sông xưa kín nước

Có ngồi ngắm sao trời bên... gốc chuối

Trong mơ màng để anh Chí đến bên...

Nếu hôm nay lại được sống trên đời

Sợ quái gì, tôi vẫn đi kín nước.

Dòng sông xưa dẫu là trong là đục

Trăng vẫn rải bụi vàng trên nước êm trôi.

Bụi chuối kia tôi vẫn cứ đến ngồi

Vẫn nghẹo cổ ngủ hai phần ba ... thân thể.

Còn một phần xót đau nhân thế

Gọi Chí Phèo trở về từ trong những cơn say

Bát cháo hành vẫn còn ấm đâu đây

Người bị cảm húp vào, toát mồ hôi, tỉnh hẳn.

Ra khỏi những cơn say chẳng ai hiền như hắn

Nhớ lại đêm nào, tôi vẫn thấy ... thương thương.

Cái lò gạch hoang một kiếp người vất vưởng

Cọng hành hoa níu kéo linh hồn.

Nếu hôm nay được sống lại một lần

Tôi vẫn đợi Chí Phèo khi kín nước ngoài sông.

Ngô Quyền

(Giáo viên trường THPT Dân tộc nội trú Lào Cai)

Hạt muối 2:

Bài viết của Trương Vũ Thiên An: “Bước hoàn lương của Chí Phèo dưới cái nhìn lạnh lùng của Nam Cao”

Dẫu kiệt tác Chí Phèo của Nam Cao thể hiện bi kịch của một người cố nông cũ vốn lương thiện bị lưu manh hóa hay là bộc lộ nỗi đau của người cố nông bị đẩy vào con đường lưu manh, vật vã lội ngược dòng để trở về bến bờ lương thiện mà không được, tác phẩm vẫn tập trung bộc lộ sâu sắc đậm nét nhất của hệ thống tác phẩm Nam Cao : Nỗi băn khoăn đau đớn của Nam Cao trước tình trạng con người bị hũy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. Nhân vật Chí Phèo nằm trong cùng hệ thống với các nhân vật “Bị hũy hoại về nhân phẩm” như bà lão trong “Một bữa no”, gã mõ trong “Tư Cách Mõ”... nhưng nhân vật đặc biệt này lại tiềm ẩn một nét khác biệt.

 

Người ta nói nhiều đến khát vọng lương thiện của chí Phèo. Rằng: Chí Phèo vốn lương thiện. Bị nhà tù, xã hội thực dân nữa phong kiến tha hóa, Chí Phèo bất tự giác trở thành lưu manh. Rồi tình người, tình yêu của thị Nở đã thức tỉnh khát khao lương thiện của Chí Phèo. Nhưng Chí Phèo đã chết, đã gãy đổ trên chiếc barie che chắn lối vào cuộc sống lương thiện, bình thường. Quả có vậy. Nhưng bước hoàn lương đó dưới cái nhìn hiện thực lạnh lùng của nhà văn Nam Cao đã diễn ra như thế nào? Ông đã nhìn nhân vật với đôi mắt và thái độ ra sao?

 

Nhân vật Chí Phèo ngật ngưỡng đi vào tác phẩm, nghiêng ngã trên con đường say của mình, đó cũng là lối đi riêng, cách đi của nhan vật đến tâm hồn bạn đọc. Nam Cao đã đặt trước mắt người đọc, ngay từ đầu, một Chí Phèo “vừa đi vừa chửi”, sẵn sàng cà khịa, rạch mặt ăn vạ, nồng nặc mùi rượu; và nếu cần, kẻ cả mưu hại, phá phách, đâm chém... Nghĩa là một bức chân dung động của một Chí Phèo lưu manh.

 

Tình người, tình yêu của thị Nở, trận ốm, bát cháo hành..., từng cái, hay tất cả cộng hưởng, ập vào Chí Phèo một chấn động dữ dội, da diết. Những thuộc tính của con người, mà Chí Phèo bắt buộc phải có vì y cũng là con người, lâu nay trầm tích, bị đè nén nay dưới tác động mới lú lên: Hắn “vẫn vơ nghĩ”, mắt “hình như ươn ướt”, hắn “muốn làm nũng với thị như với mẹ” (Nam Cao quên hay Chí Phèo đây nữa vì Chí vốn là kẻ không mẹ!), “thèm lương thiện”... Cái nhìn của Nam Cao đọng lại ở một nét tâm lí, nét phẩm chát vừa được đánh thức của Chí: nỗi khát khao lương thiện. Dễ dàng nghĩ rằng chính thị Nở (tình yêu thể xác, tình yêu tinh thần) đã thức tỉnh khát vọng làm người ở Chí. Rằng: Sau khi gặp thị Nở, ý thức nhân phẩm trở về với Chí Phèo. Từ đó cho rằng Chí Phèo tự sát vì không cam tâm làm quỹ dữ! Nhưng quá trình đó, dưới cái nhìn của Nam Cao, quả diễn ra không đơn giản, không lãng mạn chút nào. Hình như ít nhiều, lâu nay, người đọc đã nhìn bước hoàn lương của Chí Phèo dưới một lăng kính khá lãng mạn! Con người thường nhạy cảm với cái tốt, cái đẹp nhất là khi cái tốt, cái đẹp đó là kết quả của một quá trình thăng hoa khởi đi tữ cái xấu, cái ác. Phải vậy chăng mà đôi lúc chúng ta đã đi quá đà trong việc đánh giá bước hoàn lương của Chí Phèo. Nào là sau đêm gặp thi Nở, buổi sáng hôm sau Chí phèo thành một thi sĩ lắng ngồi xa xăm theo tiếng chim. Rồi Chí trở thành một triết gia trong buổi trưa cuối cùng và cuối đời khi đến nhà bá Kiến để nói một câu nổi tiếng: “không được! Ai cho tao lương thiện” ... và: Chí đã ăn năn tội lỗi của mình...

 

Có thể nói tất cả điều đó đúng (dưới góc độ người cảm nhận, tiếp nhận). Song, khi đặt điểm nhìn của chúng ta trùng với điểm nhìn của Nam Cao, vấn đề lại hé ra những nét khá lạ lùng. Chí Phèo muốn làm người lương thiện. Đúng Nam Cao đã chọn rất đúng điểm rơi để mở toang tâm hồn đặc như sắt đá đó, giới thiệu với bạn đọc bản chất lương thiện của Chí Phèo. Ấy là một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng bình thường khác, nhưng đối với Chí Phèo là một buổi sáng lạ lùng. Chí như choàng tỉnh sau một cơn say dài hắn “bâng khuâng” lòng thì “ mơ hồ buồn”, sợ rượu (hắn mà sợ rượu!), Chí nghe có tiếng chim, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo, tiến người đi chợ về bàn giá vải. Cái khung đời êm ả đó dậy da diết một nỗi “nao nao buồn” ở lòng Chí, gợi một quá vãng lương thiện xa xôi: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ” ... Cách viết “Hình như có một thời hắn đã ao ước” đó đâu chỉ là cách viết tạo sự mơ hồ lung linh của văn chương để gợi mỹ cảm. Nó là một sự tinh tế đầy ẩn ý. Qủa là Chí như người đang bị cơn lũ cuốn phăng trên đường đời, va vào tấm chắn, sực tỉnh nhưng còn chuếnh choáng. Mặt khác, niệm khúc “Hình như có một thời” gợi lên một nét tâm lí buồn, tiếc nuối – của Chí, hay chính của Nam Cao – trước một ước mơ đẹp đã bị năm tháng phôi pha, không quên được nhưng phải cố nhớ mới thấy hiện hình. Nghĩa là cái ước mơ lương thiện ngày nào giờ vẫn đang lang thang đâu đó trong tâm hồn Chí, Chí đã gặp lại nhưng với một ý nghĩa có khác. Trăng tròn, trăng khuyết, trăng lại tròn nhưng mỗi độ trăng tròn có phải bao giờ cũng giống nhau? Khát khao lương thiện đã thức tỉnh trong lòng Chí. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cho rằng Chí ăn năn về tội lỗi, Chí muốn làm một con người dồng nghĩa, Chí hoàn toàn thức tỉnh về nhân phẩm. Sự nghiêm ngặt, lạnh lùng của bút pháp hiện thực, sự lạnh lùng ghê gớm của logic đời không cho phép Nam Cao nhìn Chí Phèo khác đi được. Thương Kiều tan nát một đời nhưng Nguyễn Du vẫn phải lạnh lùng ghi nhận một nét biến đổi tâm lí ở cái con người đã từng “e lệ nép vào dưới hoa” buổi Kiều gặp Từ Hải: cùng nhau trông mặt cả cười. Cái cả cười đó quả làm nhiều người đọc khó cười nỗi với cô Kiều! Trở lại vấn đề Chí Phèo muốn lương thiện, đọc lại những trang miêu tả tâm hồn Chí, thấy quả là một mẫu mực về cách miêu tả hiện thực. Chí muốn làm người lương thiện ư?, đã có một chuỗi nét tâm trạng làm tiền đề: buồn, sợ, cô độc, sợ già, “giống như là ăn năn”,...Nam Cao không hề nhấn mạnh rằng Chí đã ăn năn tội lỗi của mình. Người ta chi ăn năn khi nhận ra việc làm trước đó là xấu xa. Chí không vậy. Điều này rất logic với tâm lí, trình độ, kiểu người của nhân vật. Chí Phèo là một cố nông cùng đường quen hành động chứ không phải là một nhân vật trí thức tiểu tư sản như Hộ, Điền vẫn hay lộn trái để kiểm nghiệm mình. Nét tâm lí “ăn năn” chỉ thoáng qua, Nam Cao viết: “và một cái gì nữa, giống như là ăn năn” nét tâm lí đó vốn đã không đủ mạnh, không đủ độ đậm, đã bị cái nhìn lạnh lùng của Nam Cao phát hiện, ghi nhận và có vẻ như có cả phủ nhận: “người ta hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa”. Chí đã có cái để mà sợ mất: đó là tình yêu, Chí đã nhận ra sự yếu đuối của mình.Phải tính cả hai điều không mấy đẹp đó vào trong cái tổng gọi là lí do muốn trở lại làm người của Chí thì Chí mới thật sự là một nhân vật hiện thực. Mặt khác, nếu xem chửi, say, rạch mặt ăn vạ, đâm chém là một biểu hiện của một Chí Phèo lưu manh thì tát cả những biểu hiện đó đều lặp lại ở mức độ cao hơn, ở Chí sau năm ngày chung sống với thị Nở, khi Chí bị từ chối cả tình yêu lẫn tình người. Mùi hương cháo hành, hương hạnh phúc vừa nhóm lên chưa đủ mạnh để phong kín quán tính tâm lí, quán tính hành động của một thời tha hóa lưu manh.Dĩ nhiên, suy cho cùng, chính xã hội thực dân nữa phong kiến phải chịu trách nhiệm về kiểu con người như Chí. Điều cần thấy là không thể xem Chí như một con người mẫu mực về sự hoàn lương, sám hối, ít ra là về gốc độ đạo đức học. Không thể vậy. Một con người đã hoàn lương thức tỉnh không có hành động như Chí. Rất nhiều đoạn trong tác phẩm, ngôn ngữ, tâm trạng của nhân vật cũng đồng thời là ngôn ngữ, tâm trạng của tác giả. Nhưng nỗi đau nhưng nhức, nóng bỏng của Nam Cao trầm tích dưới một cái nhìn lạnh lùng, nghiệt ngã của một ngòi bút hiện thực có lương tâm, tầm cỡ. Nam Cao không đơn giản chỉ nhận ra bi kịch đau đớn của hạng cố nông cùng đường, lưu manh muốn trở lại làm người mà không được. Nếu chỉ dừng lại ở đó, Chí Phèo sẽ lạc lõng giữa dòng nhân vật rất nhất quán của Nam Cao là “bị hũy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới”. Chí Phèo phải được đặt nghiêm túc vào hệ thống đó, và điều đó là cơ sở về mặt phong cách của tác giả, tâm lí nhân vật: ước mơ lương thiện! Chí Phèo đã bị tha hóa, đẫ bị lưu manh hóa ngay cả trong ước mơ được làm người lương thiện! Không phải vô tình Nam Cao chọn thời điểm bộc bạch ước mơ đó, chọn cách viết: “Hình như có một thời hắn đã ao ước..” Chí Phèo được khắc họa theo kiểu: muốn làm người lương thiện nhưng không lương thiện theo kiểu con người bình thường.Ngay cả cách yêu của Chí cũng không bình thường: Chụp giật!. Cách chết, cách trả thù của Chí cũng mất bình thường. Đó là cách trả thù của một Chí Phèo lưu manh: “Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to” Cái chết không hiền lành, không gợi thương cảm: “Giãy đành đạch, mắt trợn ngược, mồm ngáp ngáp, máu ứ ở cổ.” Cái cảnh Chí Phèo “ngộ” cũng khác thường (hay rất bình thường theo kiểu của Chí!): “Ngộ” do nhầm lẫn (đến nhà bá Kiến thay vì đến nhà bà cô thị Nở), “Ngộ” trong cơn say (Hắn uống say đến mềm người) trước khi gặp bá Kiến để đòi làm người lương thiện. “Ngộ” xong là chết. Lúc “Ngộ” cũng là lúc lầm lạc: giết người, giết mình. Chí Phèo đã bị tước đoạt cả tư thế làm người, tư thế làm người lương thiện. Khi bất lương, Chí chưa bao giờ giết người nhưng khi hoàn lương, Chí đã. Đó là tội lỗi cuối cùng của Chí ư? Nam Cao đã dùng một hành động tội lỗi để khẳng định một sự vô tội.

 

Nhân vạt Chí Phèo của Nam Cao trong truyện ngắn cùng tên quả tồn tại nỗi khát khao được làm người lương thiện. Song, ước mơ đó đã được nghiền ngẫm, suy tính lợi hại, cân nhắc, hành động... không hoàn toàn theo kiểu con người hoàn lương bình thường. Bước hoàn lương của Chí Phèo không hề mang màu sám hối. (khác với nhân vật Tám Bính trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng) Đó là bước hoàn lương quá muộn màng của hạng người, kiểu người đã bị đẩy sâu vào tội ác, chưa hội đủ thời gian, yếu tố để gột rửa cái xấu xa cũ nên nó cứ chuệch choạc, chuếnh choáng chưa hoàn chỉnh. Nam Cao đã bổ sung vào hệ thống nhân vật hoàn lương của văn học hiện thực một kiểu nhân vật như Chí Phèo. Nam Cao ý thức rõ điều đó. Cái nhìn của nhà văn là một cái nhìn lạnh lùng, nghiêm ngặt củamột chủ nghĩa hiện thực vẫn nêu cao ước muốn: “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối”. Thương Chí nhưng Nam cao vẫn nén lòng chỉ ngay cái xấu của Chí. Cái xấu đó có cơ sở sâu xa từ cội nguồn bá Kiến, nhà tù, xã hội phong kiến cũ.

 

Đọc tác phẩm Chí Phèo, nghiền ngẫm, đồng sáng tạo, người đọc tìm về một làng Vũ Đại ngày ấy. Ở đó có gã Chí Phèo thấp thỏm hoàn lương.

Hạt muối 3:

Bài viết của Chu Văn Sơn: “BẢY LỜI BÌNH DÀNH CHO CHÍ PHÈO” (lược trích)

1.Có người đã chứng minh rằng Chí Phèo tỉnh, Chí Phèo không say!Là nói cực đoan thôi! Bởi Chí Phèo hoàn toàn tỉnh thì vô lí, Chí Phèo hoàn toàn say thì vô nghĩa. Sự độc đáo của hình tượng Chí Phèo là trạng thái lưỡng hóa say – tỉnh bất phân.Cũng không chỉ đơn thuần sự mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong, bề mặt và bề sâu. Cái say-tỉnh nằm ngay trên ranh giới giữa các “bề” đó. Vì thế ngay cái lúc điên rồ nhất lại cũng là lúc tỉnh nhất. Còn gì điên rồ hơn cách chửi của Chí Phèo? Nhưng cứ xem cách thu hẹp dần đối tượng từ xa xôi nhất, không đâu nhất, chưa đụng chạm đến ai, rồi đến sự cà khịa, xúc phạm cứ sát sạt hơn là đời – Làng Vũ Đại. Tất cả những ai không chửi nhau với hắn để cạy miệng thiên hạ, ta sẽ thấy ở đó cái logic của một tâm lí tỉnh táo – tỉnh tó trong đau khổ cùng cực. Và hãy xem Nam Cao viết “giá hắn biết hát thì có lẽ hắn không cần chửi. Khổ cho hắn và khổ cho người, hắn lại không biết hát. Thì hắn chửi...”. Đau khổ bị loại ra khỏi thế giới loài người, bị tẩy chay, hắn có nhu cầu giải tỏa. Nếu hát được thì đau khổ sẽ vơi bớt. Nhưng trời không cho Chí năng khiêu thanh nhạc! Vậy bài chửi kia cũng còn là một bài hát của Chí Phèo chứ sao! Bài hát lộn ngược của một tâm hồn méo mó, đau khổ. Vả chăng cũng cần phân biệt cái tỉnh của một người nghiêm chỉnh, của một lương tri, khác với trạng thái tỉnh như là tan cơn say của một tên côn đồ, lưu manh. Cuộc đời Chí Phèo có thể chia thành hai chặng lớn. Đó là trước và sau khi gặp thị Nở, đời Chí cũng diễn ra hai chặng nhỏ: nhà tù thực dân đã biến một người lương thiện thành một tên lưu manh. Sau khi ra tù về làng thì các thế lực như bá Kiến đã hoàn thành nốt cái công đoạn cuối cùng của việc tha hóa Chí Phèo là: biến một tên lưu manh thành một con quỹ dữ. Lúc này Nam Cao mô tả đời hắn là một cơn say dài , mênh mông “ và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng hắn có ở trên đời.” Bấy giờ, nếu thấp thoáng sau những cơn chếnh choáng có một chút tỉnh nào đó, thì đấy là tỉnh rượu chứ không phải là tỉnh ngộ. Mà tỉnh rượu thì chưa có mấy ý nghĩa. Chỉ sau khi gặp thị Nở, ở Chí Phèo mới có sự bừng tỉnh của lương tri. Gặp thị Nở thực sự là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mà trước nhất là tâm lí của Chí Phèo. Tuy chỉ có năm ngày ngắn ngủi nhưng nó thật sự là một quảng đời khác: Chí được sống rồi chết như một con người.

 

Cũng không phải gặp thị Nở là có ngay sự thức tỉnh sâu xa. Nam Cao tỏ ra rất am hiểu cái diễn biện chứng của tâm lí. Ông đã miêu tả nó theo một yêu cầu hiện thực nghiêm ngặt. Quả thực cuộc chung chạ đêm trước với thị Nở mới đánh thức dậy cái phần bản năng của một gã đàn ông. Và một cuộc chung đụng có lẽ cũng chỉ làm được có thế. Phải đến hôm sau được hưởng sự chăm sóc mộc mạc mà chân tình của thị Nở thì trong Chí Phèo mới có sự thức tỉnh cần thiết: bản chất lương thiệncủa người nông dân bị vùi lấp đã trỗi dậy, lương tri đã trở về.Nhưng lương tri trở về lại nhanh chóng đẩy bị kịch tha hóa của Chí Phèo đến hồi chót của nó.

 

2.Thị Nở là ai? Câu hỏi có vẻ thừa! Nhưng để trả lời câu hỏi có vẻ thừa ấy, lại phải đặt thị Nở trong tương quan với tất cả những nhân vật quan trọng nhất của làng Vũ Đại. Nghĩa là phải xem xét cấu trúc hình tượng của tác phẩm. Thực ra vấn đề của Chí Phèo là vấn đề nhân tính, nghĩa là bán đi cả bộ mặt người lẫn linh hồn người để trở thành con quỹ dữ của làng Vũ Đại. Hình tượng của Chí Phèo là biểu hiện cho tính người bị hũy hoại, vùi lấp. Thủ phạm là bá Kiến. Bằng cường quyền, tham gia vào quá trình đẩy Chí Phèo đến cùng quẫn, bế tắc, tuyệt vọng còn có một lực lượng khác, không kém phần tàn bạo: định kiến. Bà cô thị Nở hiện diện trong tác phẩm như cái loa phát ngôn cho định kiến của làng. Còn thị Nở là hiện thân của tình người.Chỉ tình người mới cứu được tính người. Tình người là một sức mạnh. Nhưng tình người cũng thật mong manh. Đối diện với một hà khắc tình người có thể tiêu tan. Cái quan hệ thị Nở - Chí Phèo – Bà Cô dường như đã nói lên tương quan ấy.

 

Không phải ngẫu nhiên, Nam Cao miêu tả Chí Phèo có quan hệ với hai người đàn bà. Với bà Ba... Hẳn là xinh vào hạng nhất của làng Vũ Đại – Chí không được hưởng một chút tình yêu nào. Hành vi của bà Ba gọi Chí Phèo lên bóp chân, về thực chất là hành vi bốc lột – bốc lột cái phần trai trẻ ở Chí Phèo mà bấy giờ lão bá Kiến đã cạn. Chí Phèo chỉ được xem như một thứ nô lệ thôi. Còn với thị Nở - người đàn bà xấu nhất làng Vũ Đại, Chí Phèo được hưởng tình người. Tình người mộc mạc đơn sơ chỉ còn sót lại duy nhất ở thị Nở?

 

Nhiều người cứ phê phán Nam Cao là tự nhiên chủ nghĩa, là quá trớn khi mô tả thị Nở xấu đến ma chê quỹ hờn. Nhưng xét ở bình diện nghệ thuật, thị Nở càng xấu, tác phẩm càng hay. Dĩ nhiên hay không phải vì xấu. Thị Nở xấu đến tột bậc mà Chí Phèo không được lấy, thì bi kịch mới càng sau sắc. Đâu phải vô cớ mà Nam Cao trút vào thị Nở tất cả những nét mỉa mai nhất của hóa công dành cho một người đàn bà.Tất cả những thứ ấy biến thị Nở thành một thứ phế thải vô giá trị. Nhưng ở con người vô giá trị ấy lại có một thứ tài sản vô giá: tình người. Đây là một dụng ý của Nam Cao.

 

3. Xét cho cùng, biểu hiện lớn nhất của tình người ở thị Nở là bát cháo hành. Và đây là chi tiết thiên tài của Nam Cao. Việc thị Nở chăm sóc Chí Phèo khi bị cảm gió ở ngoài vườn, thực ra chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình thường của một con người dành cho một con người. Nhưng trong cái thế giới ngày càng vô tình, tha hóa của làng Vũ Đại, đây là lòng tốt hiếm hoi duy nhất mà Chí được hưởng kể từ ngày trở về làng. Vì thế mà nó mới quý giá, nó mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Gủi niềm tin vào một lòng tốt bình thường, Nam Cao tỏ ra tầm cỡ của một nhà nhân đạo lớn. Bởi cái mà nhân loại thiếu không phải là một lòng tốt xa vời và hư ảo của một ông Thánh, cũng không phải là lòng tốt suông của những nhà lập thuyết viễn vông. “Cái mà nhân loại thiếu đó là một lòng tốt bình thường” lời nói đó đã luôn vang lên như một điệp khúc khắc khoải trong tác phẩm của Rơmac. Chie cần mỗi con người mang cho nhau một lòng tốt bình thường là đủ để cả hành tinh này tốt đẹp rồi.

 

Cháo hành là thứ cháo xoàng xĩnh. Lại được nấu bởi bàn tay thị Nở thì chắc là... Ấy thế mà đến nay, khi đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời, Chí Phèo mới lần đầu tiên được hưởng. Chí Phèo ý thức được sự hiếm hoi muộn mằn đó. Và hắn nhận ra ở đó hương vị của tình người. Kề bát cháo lên miệng, hắn đã khóc. Nam Cao đã miêu tả những lời văn bề ngoài lạnh lùng mà bên trong đầy thương cảm xót xa: “Thằng này rất ngạc nhiên. hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình ươn ướt.”

 

4. Chí Phèo là một kiệt tác, được viết bằng một bút lực sung mãn và rất đều tay. Nhưng nếu cần chọn một đoạn nào là đặc sắc nhất trong đó kết tụ được đậm nhất những tinh hoa của ngòi bút Nam Cao, thì hẳn là đoạn diễn tả những biến đổi bên trong của Chí Phèo từ khi gặp thị Nở đến khi xách dao đến nhà bá Kiến.

 

Từ khi Chí Phèo về làng, Chí Phèo được mô tả ở trạng thái tỉnh ra có hai lần. Và hễ tỉnh ra là buồn. Cho nên, khi Chí buồn đó là lúc Chí Phèo nhân tính nhất. Bởi tỉnh ra, Chí mới nhìn thẳng vào thân phận mình mà nhận ratats cả sự thê thảm của nó. Ở vào tuổi Chí (Sang cái dốc bên kia của cuộc đời), mộ người bình thường ở thôn quê đã phải làm xong những việc lớn nhất của một đời người.. Có nghề nghiệp, có nhà cửa, có gia thất, nếu may mắn thậm chí đã có cháu rồi...Đằng này, Chí là con số không. Thậm chí còn không được là số không. Chí là số âm. Bởi Chí còn không được coi là người. Hỏi làm sao không buồn được? Lần thứ nhất, Chí tỉnh ra vào cái buổi sáng nghe chim hót, nghe tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng mấy bà đi chợ trao đổi việc mua bán vải... Tỉnh ra để mà hy vọng. Hy vọng trở lại lương thiện, hy vọng vào thị Nở như chiếc cầu nối, sẽ như người bão lãnh cho mình. Lần thứ hai, tỉnh ra để mà tuyệt vọng. Cái tình người ở thị Nở đã bị cái định kiến ở bà cô giết chết một cách phũ phàng. Thị Nở là người duy nhất tách ra khỏi làng Vũ Đại. Tình người mong manh đã bị định kiến thôn tính. Nỗ lực cuối cùng của Chí Phèo nhằm níu giữ thị Nở lại phía mình đã bị gạt phắt một cách vô tình phũ phàng (Hắn đuổi theo thị,nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái, thị ngoay ngoáy cái mông đít đi về làng Vũ Đại.) Đau đớn cùng cực, Chí về mang rượu ra uống. Nhưng rượu cũng bất lực, không thể làm cho lương tri đau đớn của Chí Phèo tê liệt được nữa. Lần này khác tất cả mọi lần, càng uống lại càng tỉnh ra. Hắn ôm mặt khóc rưng rức! Từ hy vọng đến tuyệt vọng. Khởi đầu là nước mắt và cuối cùng lại là nước mắt. Những trạng thái tâm lí được Nam Cao tái hiện lại sống động, đầy thuyết phục với những diễn biến tinh vi nhất. Bằng cả độc thoại bên trong, bằng cả lời nửa trực tiếp của người kể chuyện, bằng cả lối dùng ngoại hiện... Tuy nhiên thiên tài nhất vẫn là việc dùng chi tiêt. Ở đây tôi muốn nói đế hơi cháo hành.

 

5. Hơi cháo hành là biến thể của bát cháo hành. “Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thấy thoang thoáng hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức.” Vào cái lúc tuyệt vọng nhất hơi cháo hành lại hiện ra. Hiện ra để đẩy hắn sâu hơn vào nỗi tuyệt vọng. Sang cái dốc bên kia của cuộc đời rồi mới được ăn cháo hành. Muộn mằn, nhưng còn là có cháo hành tuy được nấu bởi bàn tay thị Nở..., nhưng còn hơn không. Đã tưởng đời mình từ nay đã có hơi cháo hành của riêng mình rồi. Nào ngờ Chí cũng không có quyền được hưởng. Cuộc đời lại cướp nốt ! Mất thị Nở, Chí mất luôn hơi cháo hành vĩnh viễn. Hơi cháo hành là sự níu giữ cuối cùng của Chí đối với cuộc đời này. Mất hơi cháo hành là mất cái cuối cùng của Chí. Nhưng tại sao nó lại thoang thoáng hiện lên lúc này? Để trêu ngươi, để chọc tức Chí Phèo! Nó cứ chờn vờn đâu đó. Ngỡ cần kiễng chân, nhoài người là có thể lại chộp được, lại cầm giữ được trong lòng tay. Nhưng không, nó đã trượt ra, vĩnh viễn tuột ra ngoài tầm tay rồi! Nó thoang thoáng hiện ra để làm đau Chí Phèo, để đẩy bị kịch Chí Phèo đến cùng cực. Hơi cháo hành là sự bấu víu cuối cùng. Là hết chẳng còn gì để mất nữa. Lòng Chí đã tan hoang, từ tận cùng tuyệt vọng Chí đã chuyển sang tột cùng căm uất. Vầ Chí đã xách dao đi... Chẳng có gì mong manh, vô nghĩa như hơi cháo hành. Vậy mà qua tầm lòng nhân hậu sâu thẳm của Nam Cao, hơi cháo hành nhỏ nhoi, mờ nhạt ấy đã hằn lên như một vết cứa, vết xước trong tâm linh của con người. Đó chỉ có thể là bút lực của một thiên tài.

  • Ngọc Chung

Gương sáng

Hình ảnh hoạt động











Bình chọn

Bạn hãy cho nhận xét về màu sắc Website mới
Màu sắc vừa phải
Màu sắc tươi sáng
Màu sắc nhạt nhòa
Màu sắc quá đẹp

Chat Box

Liên kết website