Thống kê

Tổng truy cập: 2355027
Trong tháng: 6137
Hôm nay: 6
Đang Online: 1

Liên kết - Quảng cáo

Thư viện AMBN
cổng thông tin ts
Đại học Duy Tân
Ngày đăng: 12/11/2014
Lượt xem: 2323

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014


 

       Từ xa xưa, tôn sư trọng đạo là nét đẹp truyền thống được nhân dân ta đề cao, trân trọng và gìn giữ. Đó chính là sự tôn vinh những cống hiến vẻ vang của người thầy đối với sự nghiệp cao quý -“sự nghiệp trồng người”. Hình ảnh người thầy- những kĩ sư  tâm hồn miệt mài ươm mầm trên cánh đồng tri thức đã trở thành biểu tượng đẹp của lòng yêu nghề, mến trẻ; là những người thắp lửa, truyềnlửa cho tinh thần hiếu học của nước nhà.

       Sinh thời Bác Hồ đã  khẳng định “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của các thầy cô giáo là rất vẻ vang”, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng phát biểu: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. Chính vì tinh thần hiếu học, vì yêu cái chữ mà người dân Việt Nam chúng ta quý trọng vô cùng những người làm nghề dạy học. Nhân dân tôn vinh, yêu mến gọi người thầy là người giáo viên nhân dân,  kĩ sư tâm hồn. Bởi với người thầy giáo, dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn dạy cho học trò đạo lí làm người. Địa vị, vai trò của người thầy luôn được người đời tôn quý, đạo thầy trò luôn được giữ gìn, khắc ghi. Trong tâm thức của người Việt,  con đường tiếp cận kho tri thức khổng lồ của dân gian, của nhân loại luôn cần đến sự định hướng, dìu dắt của người thầy trên hành trình tiến gần đến chân lí. Câu ca dao

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

.

 đã cho thấy tấm lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân ta dành cho những người làm nghề dạy học. Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” - tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao; không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng ấy tuy không được ghi danh trong bảng vàng bia đá nhưng đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi. Dân tộc ta không bao giờ quên hình ảnh những tấm gương trong nghề giáo như thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Lê Đình Diên, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc… các thầy chính là những tấm gương tiêu biểu về nhân cách ngời sáng của người thầy mẫu mực, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực, không màng danh lợi. Thầy Nguyễn Đình Chiểu còn được nhân dân ta mệnh danh là nhà giáo cầm bút đánh giặcChở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

       Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từng dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết. Dù thời gian thầy Thành dạy học ở đây rất ngắn nhưng đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc qua mỗi bài giảng. Người cũng chính là người thầy đầu tiên truyền lý tưởng cộng sản, con đường cứu nước giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đến các thanh niên Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc. Các thế hệ học trò của thầy không những cùng thầy sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

       Hôm nay, đất nước đang chuyển mình trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giáo dục trong thời kì mới được xem là “Quốc sách hàng đầu”, các cuộc vận động: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”… một lần nữa cho thấy sứ mệnh cao cả của người thầy đối với sự nghiệp trồng người. Hơn ai hết,  mỗi thầy cô  giáo đều hiểu rằng ngoài kiến thức, nhân cách - tấm gương để thuyết phục học sinh và phụ huynh còn phải có lòng nhiệt huyết, tình thương và trách nhiệm đặc biệt là kĩ năng giáo dục trong mọi tình huống đứng lớp.

       Mùa tri ân 20/11 năm nay, trường THPT số 1 Bố Trạch đang phấn khởi, tự tin chuẩn bị đón chào tuổi 50. 50 năm một chặng đường không ngừng phấn đấu, vun đắp đã tạo nên bề dày thành tích đáng trân trọng trong hành trang dạy học của nhà trường. Được thành lập vào tháng 8 năm 1965, Trường THPT số I Bố Trạch tiền thân là trường cấp 3 Bố Trạch ban đầu chỉ có 4 lớp học gồm 178 học sinh, 13 thầy cô giáo. Mặc dù từng ngày, từng giờ phải đối diện với sự tàn phá khốc liệt của bom đạn chiến tranh, thế nhưng trên quê hương Bố Trạch anh hùng, thầy và trò trường Cấp III Bố Trạch ngày ấy vẫn đồng lòng, đồng sức vượt qua khó khăn gian khổ để khẳng định chính mình. 50 năm qua ,trang sử vàng của trường ngày một dày thêm theo năm tháng, bảng vàng thành tích với nhiều bằng khen, giấy  khen , kết quả thi tốt nghiệp, đại học hàng năm... là minh chứng cho tinh thần làm việc tận tâm, tận lực của thầy và trò trong gần nửa thế kỉ. Phát huy hơn nữa truyền thống dạy học của một ngôi trường sắp tròn tuổi 50, năm học này, cán bộ, giáo viên và học sinh đã và đang tiếp tục phong trào thi đua dạy tôt, học tốt. Để thực hiện được những mục tiêu đề ra đầu năm học, nhà trường đã cụ thể hóa nhiệm vụ của mình với nhiều biện pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng với hoạt động chuyên môn, các tổ chức đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên cũng đã phối hợp linh hoạt trong các phong trào hoạt động bề nổi đặc biệt công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường sắp tới.

       Tháng 11 đã đến, thầy trò trường THPT số 1 Bố Trạch lại hân hoan, phấn chấn đón chào ngày hội Nhà giáo Việt Nam  20/11. Giữa không khí se lạnh của mùa đông, sân trường vẫn sáng tươi trong sắc màu áo trắng, vẫn rộn rã với âm vang của tiếng trống trường.Tiếp nối hành trình 50 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, giáo viên nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ dạy học nhằm  khẳng định thương hiệu của một trong những đơn vị  giáo dục đáng tin cậy của Tỉnh nhà.

Gương sáng

Hình ảnh hoạt động











Bình chọn

Bạn hãy cho nhận xét về màu sắc Website mới
Màu sắc vừa phải
Màu sắc tươi sáng
Màu sắc nhạt nhòa
Màu sắc quá đẹp

Chat Box

Liên kết website