Thống kê

Tổng truy cập: 2361882
Trong tháng: 5223
Hôm nay: 115
Đang Online: 3

Liên kết - Quảng cáo

Thư viện AMBN
cổng thông tin ts
Đại học Duy Tân
Ngày đăng: 15/03/2013
Lượt xem: 2937

Giáo sư Nguyễn Hữu Đức - với công nghệ Nano tại Việt Nam


Cựu học sinh trường cấp 3 Bố Trạch khóa 1973-1976 - Nguyễn Hữu Đức, giáo sư trẻ nhất Việt Nam và được coi là "một ngoại lệ xuất sắc", gây bất ngờ lớn trong đợt phong giáo sư năm 2005 - một người con của tỉnh Quảng Bình - một nhà khoa học trẻ đã cùng số ít các nhà khoa học khác, đi tiên phong trong việc nghiên cứu và thúc đẩy sự phát triển công nghệ nano tại Việt Nam.

Từ cơ duyên cuộc đời đến "hữu duyên" với công nghệ Nano

 

Trong cuộc đời của mỗi con người, có những cơ duyên hướng người ta vào những công việc tưởng chừng như không phải là sở trường của mình. Thế nhưng, đó lại là sự sắp đặt diệu kỳ của số phận, đem lại những tài năng xuất chúng, đóng góp cho cuộc đời những tinh hoa của nhân loại. Anh cũng là một trong những trường hợp như vậy, đó là Giáo sư Nguyễn Hữu Đức - một nhà khoa học trẻ đã cùng số ít các nhà khoa học khác, đi tiên phong trong việc nghiên cứu và thúc đẩy sự phát triển công nghệ nano tại Việt Nam.

Lọt “mắt xanh” và “cơ duyên cuộc đời”

Nhớ lại chuyện thời thơ ấu, đôi lúc vị Giáo sư 46 tuổi cũng không lý giải nổi cơ duyên, định mệnh đã run rủi anh đi theo con đường nghiên cứu khoa học - con đường của tư duy chính xác. Ngược lại hẳn với người thân trong gia đình, đều là những diễn viên có tiếng của Đoàn Văn công, Ty Văn hoá Quảng Bình. Khi còn sống, đã không ít lần bố anh định gửi đứa con trai lớn ra học tại Nhạc viện Hà Nội. Rồi những năm tháng sau, khi anh 14 tuổi, cả bố và mẹ đều theo nhau về nơi chín suối, nỗi nhọc nhằn của tuổi thơ đã cuốn trôi mất những giấc mơ làm diễn viên thủa thiếu thời. Bây giờ đôi lúc hiếm hoi được ngồi nghe cô con gái nhỏ chơi đàn piano, tâm hồn vị Giáo sư trẻ lại bay bổng, nhớ về làn gió mát của sông Gianh, mạch nước trong nguồn Son, nguồn Nậy.
Thẳm sâu trong ký ức của mình, Giáo sư Đức có một khoảng lặng để lội ngược thời gian, về với thời ấu thơ tại quê hương Bố Trạch, Quảng Bình. Bố mẹ mất sớm, cuộc sống của cậu bé Đức cùng ba em nhỏ nương nhờ váo sự tần tảo của bà nội. Ngày ngày, một buổi đi học, một buổi anh cả Đức len lỏi khắp các ngõ ngách của bến phà Gianh, mong bán hết được rổ bánh rán, chục quả trứng luộc... kiếm thêm chút tiền, giúp bà nuôi ba em nhỏ. Dù không có điều kiện học tập như các bạn cùng trang lứa, nhưng với ý chí của mình cùng với những lời răn dạy của bà khắc sâu trong tâm khảm, cậu bé Đức luôn đứng đầu trong các kỳ thi của trường. Năm 1976, tạm biệt mảnh đất của cát trắng và gió lào, cậu học sinh Đức nhập học vào khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐHKHTN - ĐHQGHN).

 

Không ít người cho rằng, thành công trong sự nghiệp của Giáo sư Đức hôm nay một phần nhờ được tiếp cận với các giáo sư nước ngoài từ khi còn rất trẻ. Nhưng không phải như vậy, người thầy có ảnh hưởng đặc biệt tới quá trình nghiên cứu khoa học và nghề nghiệp của anh lại là một người Việt Nam, đó là Giáo sư Thân Đức Hiền (nguyên Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ - Bộ Giáo dục và Đào tạo), khi đó là Trưởng phòng thí nghiệm nơi nghiên cứu viên Nguyễn Hữu Đức đang công tác. Những kỷ niệm khi còn làm việc với Giáo sư Hiền dù đã hơn 20 năm trôi qua, vẫn còn tươi rói trong ký ức vị Giáo sư trẻ tuổi này. “Cách suy nghĩ, lý giải các hiện tượng của thầy Hiền luôn gợi mở trong tôi những ý tưởng sáng tạo. Phong cách làm việc, mô hình đào tạo mà giáo sư Hiền đã áp dụng tại thời điểm đó là rất mới, tạo điều kiện đào tạo được các nhà vật lý trẻ đạt học vị tiến sỹ ở tuổi xấp xỉ 30. Tuy không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của mọi người, nhưng thời gian đã là thước đo vô cùng chính xác. Trong cuộc sống ngày hôm nay, nhiều điều thầy đã từng chỉ bảo tôi vẫn luôn luôn đúng”, anh luôn tâm sự như vậy về người thầy đáng kính của mình.

 

Và những công trình nghiên cứu

 

Khi đang học năm thứ 3, năm 1979, anh sinh viên Đức đã có công trình nghiên cứu khoa học được giải thưởng về đề tài “Tìm hiểu các phương pháp đo mức Heli lỏng”. Giáo sư Đức nhớ lại lần chọn đề tài cho khoá luận tốt nghiệp, suýt nữa anh đã không đi theo hướng nghiên cứu vật liệu từ. Nguyên nhân là vào những năm tháng đó, công nghệ bán dẫn có sức hút mạnh mẽ với cả xã hội, không chỉ có anh, mà các sinh viên ngành vật lý đều muốn được chọn đề tài vật lý bán dẫn. Đến lượt anh, thì không còn người nhận hướng dẫn, nên anh đành phải chuyển đề tài. Đó chính là khúc ngoặt đã giúp anh có cơ duyên gặp được giáo sư Hiền.

 


Theo đó, không ít cơ may đã đến với anh. Năm 1980, hoàn thành xuất sắc khoá luận tốt nghiệp và được giữ lại làm nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm do giáo sư Hiền lãnh đạo. Tiếp ngay sau đó, khi Việt Nam được tổ chức phi chính phủ tài trợ cho chương trình hợp tác giữa các trường đại học của hai nước Hà Lan và Việt Nam (gọi tắt là Chương trình VH). Anh đã được tham gia với đề tài VH13 về vật lý nhiệt độ thấp do giáo sư Hiền làm chủ nhiệm. Lần đầu tiên, Việt Nam có một phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý thực nghiệm với các trang thiết bị nghiên cứu khoa học khá hiện đại. Khi đảm nhận trách nhiệm chủ nhiệm bộ môn Vật lý nhiệt độ thấp (1999 - 2003), Giáo sư Đức đã tổ chức hợp tác rộng rãi trong hoạt động nghiên cứu khoa học giữa các nhà vật lý từ học của Việt Nam với các nhà khoa học của các nước trên thế giới.

 

Vị giáo sư trẻ không khỏi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày mới chập chững trên con đường khoa học, khi công trình nghiên cứu đầu tiên “Tính chất từ của các hợp chất đất hiếm - đồng ở nhiệt độ thấp” mà anh cùng nhóm cộng sự của mình thực hiện, được đăng trên tạp chí Khoa học quốc tế. Đó là niềm khích lệ rất lớn, là động lực thôi thúc anh tiếp tục công bố những gì thu nhận được trong quá trình nghiên cứu sau này. Nhiều bài của anh được các nhà khoa học nước ngoài đánh giá cao và trích dẫn rất nhiều lần trong các báo cáo khoa học của họ. Cụ thể như công trình khoa học: “Tương tác trao đổi trong các hợp chất đất hiếm - kim loại chuyển tiếp” của anh (công bố từ năm 1992) được các nhà khoa học nước ngoài quan tâm, với hơn 55 lần trích dẫn để biện chứng cho đề tài khoa học của họ. Theo Giáo sư Đức, đây là cách tốt để trao đổi thông tin khoa học, đánh giá các nhận biết của mình, và nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học nước ngoài. Giáo sư J.J.M. Franse, Giáo sư D.Givord (Viện nghiên cứu Từ học mang tên Louis Néel - Cộng hoà Pháp) vẫn luôn cho anh những lời nhận xét chính xác và bổ ích về những nghiên cứu mới của anh.

 

Cho đến nay, Giáo sư Đức đã có 5 tập sách chuyên khảo được ấn hành tại các nhà xuất bản có danh tiếng ở nước ngoài, hàng trăm công trình được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. Không ít lần, anh được mời đến trình bày báo cáo tại các hội thảo khoa học Vật lý của khu vực và thế giới với tư cách là nhà khoa học có báo cáo đặt hàng chủ chốt. Anh cũng thường xuyên được mời đi thỉnh giảng tại các trường đại học của Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tháng 10/2004, anh đã được hội Vật lý Châu á Thái Bình Dương trao tặng giải thưởng: Nhà khoa học trẻ có những đóng góp về nghiên cứu từ tính của các vật liệu đất hiếm - kim loại chuyển tiếp. Sau đó, anh là người trẻ tuổi nhất được nhận chức danh Giáo sư của năm 2004, dù chưa đến niên hạn, nhờ vào công trình nghiên cứu “Kết hợp từ giảo và hệ số từ giảo khổng lồ trong các màng mỏng có cấu trúc nano đa lớp” của nhóm anh vừa xuất bản trên tạp chí Applied Physics Letters của Viện Vật lý Mỹ vào cuối tháng 8 vừa qua, là một trong 6 công trình vinh dự được nhận giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu của ĐHQG HN năm 2004.

 
 

Sự phát triển của công nghệ nano tại Việt Nam

 

Dấu ấn đậm nét của Giáo sư Đức đối với sự phát triển công nghệ nano chính là việc anh bắt đầu nghiên cứu về vật liệu từ có cấu trúc nano - một hướng nghiên cứu mới mẻ hiện đang được giới khoa học quốc tế và trong nước quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Trong quá trình nghiên cứu về công nghệ này, anh cùng đồng sự đã tiếp cận được với trình độ quốc tế, tạo được một nguồn nhân lực cho việc triển khai ứng dụng công nghệ mới này ở Việt Nam trong thời gian tới. Anh cho rằng, việc có một mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học có hiệu quả với nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển hướng nghiên cứu này. Cũng nằm trong chương trình công nghệ nano, anh còn ấp ủ ý định nghiên cứu ứng dụng của các hạt nano trong y - sinh học để chẩn đoán và chữa bệnh. Cùng với anh, nhóm các nhà khoa học của giáo sư Phạm Thị Trân Châu (Trung tâm Công nghệ sinh học - ĐHQG HN), Phó giáo sư Nông Văn Hải (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) đang thảo luận để khởi động kế hoạch nói trên.

 


Hiện Giáo sư Đức đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG HN). Trong đó, anh đã áp dụng một mô hình đào tạo cán bộ khoa học mới có trình độ công nghệ cao, gắn liền với thực tiễn và địa chỉ sử dụng ở Việt Nam, tạo điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu cho cả giảng viên và học viên, giảm thiểu được hiện tượng chảy máu chất xám. Trong năm 2004, ba nghiên cứu sinh đầu tiên của trường ĐHKHTN, Đại học Công nghệ và ĐHKHXH&NV đã bắt đầu thực hiện chu trình nghiên cứu của họ tại châu Âu.

Gương sáng

Hình ảnh hoạt động











Bình chọn

Bạn hãy cho nhận xét về màu sắc Website mới
Màu sắc vừa phải
Màu sắc tươi sáng
Màu sắc nhạt nhòa
Màu sắc quá đẹp

Chat Box

Liên kết website