Chợ quê
Tin ngày: 12-02-2011
Tệp đính kèm:
Đã có bao giờ bạn tự hỏi: nếu như cuộc sống thường nhật của chúng ta ngày nay bớt đi sự can thiệp của các loại máy móc tân tiến, hiện đại thì sẽ ra sao? Đặc biệt trong những dịp tết nhất như thế này. Không có xe máy, lịch trình về quê nội ngoại sắp xếp thế nào? Không có tủ lạnh, làm sao bảo quản tốt thức ăn? Không có đèn nháy xanh xanh đo đỏ, những cành mai cành đào vốn ngày càng ít nở hoa làm sao mà rực rỡ?
Những ngày 27, 28, 29 tháng Chạp ta, với bao nhiêu lo toan bận rộn, có lẽ lựa chọn tối ưu nhất của bạn là đến siêu thị, nới có thể đáp ứng nhu cầu của bất kỳ vị khách hàng khó tính nào. Hàng hóa siêu thị vừa đa dạng, phong phú về chủng loại, vừa ổn định về giá cả, và đặc biệt về mặt chất lượng thì có thể yên tâm, nhất là trong khi các phương tiện thông tin đại chúng đang ra sức cảnh báo về an toàn thực phẩm.
Đã có bao giờ bạn đi chợ quê ngày Tết? Những cái chợ bé nhỏ họp ở ven sông, ở những gò đất dư ra đầu làng. Chợ quê càng ngày càng hiện đại, nhưng hồn quê vẫn thật đậm đà.
Thời hiện đại, chợ quê không kém phần hiện đại. Các cửa hàng băng đĩa đua nhau mở máy hết công suất. Các trường phái âm nhạc đua nhau mà thể hiện. Nơi này thu hút nhiều nhất các cậu thanh niên choai choai. Chỉ cần năm nghìn đồng là có ngay một đĩa nhạc đủ hát karaoke suốt mấy ngày Tết, tội gì không mua. Tiếp theo là địa giới của những hàng hoa và tranh ảnh. Hoa nhựa đủ kiểu, đủ loại mặc sức khoe sắc. Tranh ảnh đủ hình đủ kiểu bày tràn ra cả lề đường. Rồi kẹo bánh, rồi trà thuốc, rồi thức nọ thức kia. Rồi những hàng hoa tươi. Có cả cúc đại đóa vàng rực, cả hoa ly kiêu hãnh, cả đào Nhật Tân e ấp, những chậu quất lúc lỉu quả. Rồi hàng hoa quả nhập từ phố về. Táo tàu, lê, quýt, nho, cả những quả dứa đỏ rực… Có cầu là có cung.
Càng đi sâu vào chợ càng cảm nhận được chất quê. Những quầy chuối hơi gầy, hơi bé vì quê nhà vừa trải qua lũ lụt nhưng tươi roi rói vì vừa hạ trên cây xuống là xách ra chợ ngay. Bưởi, cam, mãng cầu, sabochia, khế… còn nguyên cuống lá. Lũ gà vịt quang quác, náo nhiệt, ồn ào chả cần phải đóng dấu kiểm dịch vì là gà vịt nhà nuôi. Lũ cá mè, cá chép, cá trắm… bơi lội tung tăng trong thau, trong chậu như bơi lội trong ao nhà. Chợ Tết mà vẫn bán ốc. Chắc có lẽ đây là “sản phẩm” của cậu bé nào đó tranh thủ kiếm thêm chút ít để đầu năm lì xì đứa cháu mới sinh?
Đông đúc, ồn ào, tấp nập. Kẻ bán người mua náo nhiệt cả một góc quê. Chen chúc, xô đẩy, thậm chí xô xát. Nhưng đi chợ Tết mà, nào có nề hà gì. Càng ồn ào càng vui. Càng đông đúc càng phấn khởi. Tay xách nách mang, gọi nhau, chào nhau hết công suất. Và lạ lùng nhất là bận rộn như thế, mãi sắm sửa tết nhất như thế mà những hàng quà quê vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Có lẽ đã thành thói quen, đi chợ không ăn quà cứ thấy bứt rứt khó chịu. Mẹ đi chợ về mà không có quà là cứ thấy thiêu thiếu thứ gì đó.
Đã bao giờ bạn đi chợ quê ngày Tết chưa? Đã bao giờ bạn tận hưởng cảm giác đang lơ ngơ láo ngáo thì có người chào ta là cháu, là em, là chị, là o, là dì…. Trong số những người đó, chỉ có ít người là ta gọi đúng tên, chào đúng chức vụ. Còn có những người ta gặp lần đầu tiên. Vậy mà chào hỏi hết sức thân tình. Hóa ra mọi người nhận ra ta là vì: cháu giống bố như đúc, nó giống thằng anh con cậu nó quá, nhìn cái mặt biết ngay là con cháu nhà đó… Chao ôi, hóa ra toàn bà con cô bác cậu dì dây mơ rễ má của ta cả đó sao? Hóa ra chốn quê này vẫn dành cho ta một phần yêu thương tha thiết đó sao? Bấy lâu nay phải chăng ta quá hững hờ? Để rổi hôm nay trong một ngày bận rộn cuối năm ta chợt nhận ra hai tiếng “quê hương” không chỉ mang ý nghĩa ngôn từ mà còn ẩn chứa trong đó những tình cảm vô cùng tha thiết. Ta nhận ra rằng đây chính là nơi mà trong tâm thức ta vẫn luôn luôn tìm về sau những vất vả, lo toan trên đường đời tấp nập.