Thống kê

Tổng truy cập: 2361942
Trong tháng: 5283
Hôm nay: 175
Đang Online: 3

Liên kết - Quảng cáo

Thư viện AMBN
cổng thông tin ts
Đại học Duy Tân
Ngày đăng: 23/03/2013
Lượt xem: 16614

Trao duyên - nỗi đau này không của riêng ai


Trong "Truyện Kiều", người em song sinh của Thúy Kiều xuất hiện như một đối trọng, Thúy Vân là hình bóng, là bản sao hoàn chỉnh nhưng mờ nhạt của Thúy Kiều. Có Vân để người đời thấy Kiều không chỉ đẹp mà còn "sắc sảo mặn mà". Có Vân để người đời thấy Kiều không chỉ "sắc sảo mặn mà" mà "so bề tài sắc lại là phần hơn".

Có Vân để người đời thấy Kiều hiếu nghĩa, thủy chung. Để thấy đời Kiều lắm đa đoan, giông bão, truân chuyên. Để rồi đau đớn, xót xa, cảm thông, thương xót cho một kiếp hồng nhan bạc phận nổi nênh giữa dòng đời. Liệu có bao nhiêu người dừng lại để thấy rằng Thúy Vân cũng là một người phụ nữ với nỗi đau rất thật của con người?

           Nỗi đau đầu tiên, nỗi đau lớn lao nhất trong đời Thúy Kiều là nỗi đau "Trao duyên". Trong cái đêm cuối cùng Kiều ở nhà cha mẹ, trong cái đêm trinh nữ cuối cùng của cuộc đời Kiều, nàng đã quyết định "trao duyên" cho Thúy Vân. Đây không phải là quyết định quan trọng đầu tiên trong cuộc đời Kiều. Cái quyết định quan trọng đầu tiên của nàng là quyết định "Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha". Quyết định đó đã khiến Thúy Kiều mặc nhiên trở thành biểu tượng sáng rỡ của chữ Hiếu- của đạo làm con. Quyết định "trao duyên" lại khiến Thúy Kiều trở thành biểu tượng của chữ Nghĩa, chữ Tín. Nghĩa thủy chung, tình son sắt, nỗi đau duyên tình vỡ lỡ của nàng khiến bao thế hệ độc giả phải xót xa, phải đau đớn, phải ngưỡng mộ, phải khâm phục. Trong cái đêm định mệnh đó, Kiều đã buộc phải thú nhận với em về mối tơ duyên thầm kín cảu mình, phải hết sức khéo léo, tế nhị, cẩn trọng nhờ em chắp nối mối tơ duyên cùng Kim Trọng. Người đọc thương xót, cảm thông, ngậm ngùi cho tình cảnh éo le, trớ trêu của nàng. Phải tự mình dứt bỏ tình duyên, lại tự mình đem nó trao cho người khác, Kiều tội nghiệp quá, và cũng vĩ đại quá. Nỗi đau của Thúy Kiều là nỗi đau lớn lao, cao cả, nỗi đau vô cùng nhân văn. Ngòi bút của Nguyễn Du sống lại với tình yêu Kim- Kiều qua lời kể nghẹn ngào của nàng, qua những kỉ vật tình yêu, qua lời nhờ cậy Thúy Vân và qua tiếng nấc dài tức tưởi của nàng khi gọi tên Kim Trọng...

           Trong đêm đó có một nguời không hề lên tiếng. Người đó chính là Thúy Vân. Nàng biết nói gì đây trong hoàn cảnh ấy? Gật đầu ư? Hay lắc đầu từ chối? Tất thảy đều vô nghĩa trước nỗi đau, trước sự mất mát của Thúy Kiều. Dường như độc giả đã quên bẵng Thúy Vân. Thậm chí ác ý hơn, nhà thơ Nguyễn Hữu Khanh còn nói:

           Tình chị, thôi em đã hiểu rồi

           Giả vờ mà thử hỏi nhau chơi

           Tơ duyên nếu chắp người hôm nọ

           Không lạy thì em cũng chịu lời

                                       (Thúy Vân)

           Hãy đặt mình vào vị trí Thúy Vân. Hãy lắng nghe từ trong sâu thẳm cảm xúc của mình để công bằng hơn với Thúy Vân. Chấp nhận "chắp mối tơ thừa" với Kim Trọng là Thúy Vân chấp nhận hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh hạnh phúc, tình yêu, hi sinh những ước vọng tuổi trẻ. Kiều ra đi trong thương nhớ của mọi người. Riêng Vân âm thầm chấp nhận thiệt thòi. Mấy ai thấu hiểu cho Vân? Trong đêm "trao duyên", Vân hoàn toàn bị động. Kiều đau, Kiều xót, Kiều khổ nhưng Kiều chủ động. Ngay cả sự hi sinh của Kiều cũng là tự nguyện. Còn Vân ư? Nàng đâu được quyền lên tiếng.

           Người đọc mãi dõi theo "cơn mưa gió nặng nề" mà Kiều phải trải qua với Mã Giám Sinh, mãi dõi theo "vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh" của chuyến vu quy mà quên mất Vân. Kể từ đó Vân lui vào hậu trường quên lãng. Người đọc mãi dõi theo mười lăm năm lưu lạc truân chuyên của Kiều để yêu quý, cảm thông, trân trọng nàng. Còn Thúy Vân, nàng lần hồi may thuê vá mướn để phụng dưỡng cha mẹ già kiệt quệ mỏi mòn vì nỗi gia biến. Có ai cảm thương nhắc nhở tới nàng đâu. Khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy, khi cùng Kim Trọng nên duyên vợ chồng thì anh chàng Kim kia vẫn "...vui chữ vu quy/ Vui kia đã cất sầu kia được nào". Truyền thuyết về loài ốc mượn hồn có lẽ đã ứng nghiệm vào duyên tình Thúy Vân? Trong vòng tay Kim Trọng chỉ có thân xác của Thúy Vân, còn hồn vía kia, xúc cảm kia là của cô chị kia. Kiều bất hạnh, Kiều lênh đênh phiêu dạt, Kiều phải "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần" nhưng Kiều đã nếm trải mọi cảm xúc của cuộc đời. Kiều dã yêu và đã được yêu. Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải là những người đàn ông của cuộc đời Kiều, những người cho Kiều biết yêu thương, giận hờn, nhớ nhung, mong đợi... Còn với Thúy Vân, chữ yêu kia như một món đồ xa xỉ mà chưa bao giờ nàng với tới. Những yêu thương vơi đầy kia chưa một lần nàng được nếm trải...

           Vân làm vợ rồi làm mẹ trong tư thế hoàn toàn bị động:

           Em thành vợ của chàng Kim

           Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao

                                       (Tâm sự nàng Thúy Vân- Trương Nam Hương)

           Chưa một lần Vân dám phàn nàn, oán thán. Vân chấp nhận sự thật như là điều không thể khác. Nhưng ai dám chắc rằng trong trái tim kia, trong tâm hồn kia không chứa đày tâm sự, chứa đầy bão giông? Ai dám chắc Thúy Vân không oán trách cuộc đời, oán trách số phận, oán trách ông Tơ bà Nguyệt

           Nhưng mà đau lắm chị ơi

           Cả em và chị nửa đời dở dang

                                       (Trương Nam Hương)

 

           Có thể nói rằng Kim Trọng với Thúy Vân đồng sàng nhưng dị mộng vì Thúy Kiều chưa bao giờ chết trong lòng chàng Kim kia. Đau đớn thay cho Thúy Vân. Nàng không những không được oán trách, hờn ghen mà thậm chí còn phải cám ơn Kim Trọng. Với Vân, nước mắt buộc phải lặn vào trong.

           Nhưng bi kịch của Thúy Vân chưa dừng lại ở đó. trong cuộc đời mình, lần đầu tiên Thúy Vân chủ động lại là lúc Kim- Kiều hội ngộ. Vân chủ động lên tiếng là để trả lại chồng cho chị: "Bây giờ gương vỡ lại lành/... Còn duyên may lại còn người" Biết bao đau đớn xót xa trong câu nói tưởng chừng vô cùng tỉnh táo và rành rẽ ấy. Trước khi mở miệng nói ra điều này, Thúy Vân đã phải mượn đến sự tiếp sức của men rượu "dở say chén cúc tàng tàng". Đau đớn thay cho Thúy Vân. Và cũng cao cả thay Thúy Vân.

           Xin được không bình luận thêm. Cũng xin mượn câu thơ của Kim Chuông để làm lời kết cho bài viết này:

           Cao cả là Vân

           Vãn thân phận ở đời

           Ơi các nhà phẩm bình sâu sắc

           Trong xếp hạng, trong những tên người nhắc

           Hình như người nghiệt ngã với riêng Vân

 

                                       (Nghĩ cùng Thúy Vân ngày Kim- Kiều hội ngộ).

 

 

Thanh Bình - Tổ Văn

Gương sáng

Hình ảnh hoạt động











Bình chọn

Bạn hãy cho nhận xét về màu sắc Website mới
Màu sắc vừa phải
Màu sắc tươi sáng
Màu sắc nhạt nhòa
Màu sắc quá đẹp

Chat Box

Liên kết website